Nỗi khổ... muối sạch
Nỗi khổ... muối sạch
(Báo Quảng Ngãi - 08/04/2014)
Đầu tư phủ bạt và xây ruộng muối bằng xi măng, nhiều diêm dân ở đồng muối Sa Huỳnh (Phổ Thạnh - Quảng Ngãi) chấp nhận đầu tư vốn cao hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng muối. Tuy nhiên, khi những hạt muối trắng tinh đã chất đầy ruộng, mà giá cả vẫn bị “cào bằng” thì diêm dân phải chịu nhiều thua thiệt.
Chi phí cao
12 giờ trưa, nhưng diêm dân Sa Huỳnh vẫn còn làm việc quần quật trên ruộng muối. Gặp thời tiết thuận lợi, nên ai cũng khẩn trương cải tạo ruộng để tiếp tục đợt muối mới.
Nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn ruộng muối truyền thống là ruộng muối xi-măng của ông Kiều Bá Đoàn (thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh). Không xới cát, san ủi, làm phẳng mặt ruộng như diêm dân làm muối truyền thống, ông Đoàn khệ nệ mang xi măng tu sửa lại những vết nứt trên ruộng. Kể từ lúc làm ruộng xi măng, không năm nào là ông Đoàn không phải đi “vá” lại ruộng. “ Mỗi lần tu sửa lại, tôi phải mất hơn 4 triệu đồng cho 400m2. Trong khi bấy nhiêu diện tích muối kết tinh, tôi cũng chỉ thu về được 5 - 7 triệu mỗi mùa muối”, ông Đoàn phân trần.
Trót “đâm lao”, nên đành “theo lao”, chứ theo ông Đoàn, chi phí đổ vào ruộng xi măng quá lớn, mà giá muối lại thấp, nên ông Đoàn chẳng lời lãi được bao nhiêu. Giờ đây, dù muốn quay trở về với cách làm truyền thống, nhưng ông Đoàn đành ngậm ngùi chấp nhận. Bởi ruộng muối đã xi măng hóa, nên chẳng thể nào cào hết lớp đá sỏi.
Muốn hoàn thiện 100m2 ruộng muối xi măng, mỗi hộ phải bỏ ra 20 triệu đồng. Ruộng phủ bạt cũng tiêu tốn của diêm dân hơn 10 triệu đồng. Đấy là chưa kể chi phí tu bổ hàng năm “ngốn” của diêm dân trung bình 1 triệu đồng/100m2. Vì vậy, trong gần 600 hộ làm muối của Phổ Thạnh, chỉ mới có khoảng 50 hộ tham gia vào mô hình phủ bạt, xi-măng ruộng muối.
Giá thấp
Theo ông Nguyễn Duy Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, tổng diện tích ruộng muối của xã Phổ Thạnh là 116ha với 577 hộ tham gia. Trong đó, diện tích ruộng muối phủ bạt và xi-măng chỉ khoảng 1,2ha. Năng suất và chất lượng muối cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống, nhưng diêm dân không mặn mà là bởi dù đầu tư chi phí lớn, nhưng giá muối chênh lệch không nhiều so với muối truyền thống.
Thời điểm hiện tại, giá một kg muối truyền thống là 1.300 đồng, trong khi đó, giá muối làm theo mô hình phủ bạt và xi-măng thì chỉ dao động từ 1.400 - 1500 đồng/kg. Trung bình mỗi tấn muối theo mô hình mới, chỉ nhỉnh hơn giá muối truyền thống khoảng 100 - 200 nghìn đồng. Nhưng đó là giá muối đầu vụ, còn vào giữa vụ, lượng muối làm ra nhiều, nên nhiều vụ, diêm dân bị thương lái ép giá chỉ còn khoảng 700 đồng/kg.
“Để đầu tư 400m2 ruộng xi-măng thì phải bỏ ra tới 40 triệu đồng. Trong khi giá muối thì lẹt đẹt. Nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi vụ cũng chỉ kiếm được 6 - 7 triệu đồng. Vì vậy, dù làm muối theo mô hình này đỡ cực và muối có trắng hơn, thì tôi cũng không dám đầu tư. Vì đầu tư xong, không biết bao giờ mới bù được vốn”, diêm dân Trần Ngọc Thạch ở thôn Tân Diêm trăn trở.
Chất lượng hơn hẳn, nhưng đầu ra lại bấp bênh và giá cả không khá hơn là bao so với muối truyền thống, khiến diêm dân chưa mạnh dạn đầu tư vào mô hình. Còn những người đã lỡ tham gia thì đành ngậm ngùi chịu thiệt, khi giá bán ra không bù lại được chi phí đầu tư. Bài toán giá muối và đầu ra cho sản phẩm muối chất lượng đang là vấn đề nan giải mà diêm dân đồng muối Sa Huỳnh đang chờ ngành chức năng giải đáp.
Ý Thu